Thursday, 07/11/2024

Điều kiện tự nhiên của Huyện Ngân Sơn

1. Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

Ngân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Kạn có toạ độ địa lý trong khoảng từ  22o10'00" đến 22o29'00" độ vĩ Bắc và từ 105o50'10" đến 106o01'10" độ kinh Đông, co cac vi tri tiep giap nhu sau:

Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.

Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn.

Phía Nam giáp huyện Bạch Thông và huyện Na Rì.

Phía Tây giáp huyện Ba Bể.

Diện tích đất tự nhiên của huyện có 64.587,00 ha và được chia thành 11 đơn vị hành chính cấp xã (10 xã và 01 thị trấn).

Xã Vân Tùng là trung tâm văn hoá, chính trị của cả huyện, cách trung tâm thị xã Bắc Kạn khoảng 65km về phía Bắc theo Quốc lộ 3.

Quốc lộ 3 là tuyến giao thông chính chạy xuyên suốt qua địa bàn huyện theo chiều Tây Nam - Đông Bắc.

1.2. Địa hình, địa mạo.

Địa hình Ngân Sơn là nơi hội tụ của hệ thống nếp lồi dạng cánh cung, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau: Địa hình núi cao trung bình, địa hình núi thấp và đồi thoải lượn sóng xen kẽ với các thung lũng, địa hình đồi bát úp và các cánh đồng nhỏ hẹp. độ dốc bình quân 26- 30o, diện tích đồi núi chiếm khoảng 90% tổng diện tích tự nhiên, diện tích tương đối bằng phẳng chiếm khoảng 10%, đất nông nghiệp chủ yếu là ruộng bậc thang và các bãi bồi dọc theo hệ thống sông suối.

Địa hình phức tạp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nhất là nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mùa khô gây ra hạn hán, mùa mưa gây ra ngập úng cục bộ.

1.3. Khí hậu

Ngân Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ trung bình hàng năm thấp 20,7oC. Sự chênh lệch nhiệt độ trung bình các tháng trong năm tương đối cao. Tháng nóng nhất trong năm là tháng 7 nhiệt độ trung bình là 26,10oC, thấp nhất là tháng 1 nhiệt độ trung bình là 11,90oC, nhiệt độ tối thấp tuyệt đối là 2oC gây giá buốt ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng vật nuôi.

Lượng mưa trung bình năm là 1.248,2 mm, phân bố không đều giữa các tháng trong năm, mưa tập trung vào các tháng 5,6,7,8; vào tháng 11 lượng mưa không đáng kể, hàng năm trên địa bàn huyện xuất hiện mưa đá từ 1 đến 3 lần.

Độ ẩm không khí khá cao 83,0%, cao nhất vào các tháng 7,8,9,10 từ 84- 86% thấp nhất là tháng 12 và tháng 1 năm sau. Nhìn chung độ ẩm không khí trên địa bàn huyện không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm.

Chế độ gió trên địa bàn huyện xuất hiện hai hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, tốc độ gió bình quân 1- 3 m/s, tháng 4 vào giai đoạn chuyển mùa gió thổi cả ngày với vận tốc trung bình từ 2- 3 m/s, thời kỳ chuyển từ mùa Hạ sang mùa Đông tốc độ gió yếu nhất trong năm.

Bão ít ảnh hưởng đến Ngân Sơn vì nằm sâu trong đất liền và được che chắn bởi các dãy núi cao, lượng mưa trong năm không lớn nhưng lại tập trung nên xảy ra tình trạng lũ lụt ở một số vùng.

1.4. Thuỷ văn

Hệ thống thuỷ văn trên địa bàn huyện được phân bố khá dày đặc, song hầu hết đều ngắn, lưu vực nhỏ, độ dốc dòng chảy lớn và có nhiều thác ghềnh.

Do cấu tạo địa hình cánh cung, dãy núi cao nên Ngân Sơn được coi là ngôi nhà phân chia nước về các huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Sông Bằng Giang bắt nguồn từ dãy núi Khao Phan (Ngân Sơn) chảy qua huyện Na Rì sang Lạng Sơn. Đoạn chảy qua huyện Ngân Sơn có chiều dài 35km, rộng 50m - 70m.

Nhìn chung hệ thống sông ngòi trên địa bàn được chi phối trực tiếp bởi cấu tạo địa hình trên địa bàn huyện, về mùa mưa địa hình dốc lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt, gây xói mòn rửa trôi.

Chế độ thuỷ văn của huyện phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống sông ngòi, hồ đập trong khu vực của huyện và khu vực phụ cận, một số hệ thống khe suối thuộc khu vực thuợng nguồn (sông Bằng Giang). Sông có độ dốc dọc thuỷ văn trung bình 4-5%, suối trung bình 8-10%. Khe nhỏ có độ dốc dọc thuỷ văn càng lớn vì thế sau những trận mưa rào thường hay có lũ quét.

2. Các nguồn tài nguyên.

2.1. Tài nguyên đất.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Cục địa chất thì Ngân Sơn nằm trong vùng địa chất có địa hình phức tạp của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa hình của tỉnh có bao nhiêu kiểu địa mạo thì có bấy nhiêu kiểu kiến trúc địa chất, trong đó có Cánh cung Ngân Sơn có các loại Granít, Rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi...

Phân bố các loại đất chính trên đại bàn huyện như sau:

Đất Feralít màu vàng nhạt trên núi trung bình(FH): Được phân bố trên các đỉnh núi cao >700m, trên nền đá măcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất, hạt mịn, hạt thô....Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày, ẩm, đá nổi dày.

Đất Feralít hình thành trên vùng đồi núi thấp (phát triển trên đá sa thạch):  Đặc điểm là tầng mỏng đến trung bình. Thành phần cơ giới nhẹ, màu vàng đỏ. Thích hợp với cây trồng nông - lâm nghiệp.

2.2. Các loại tài nguyên khác

a. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Lưu vực một số suối có nước quanh năm, vào mùa khô lưu lượng nước ít hơn do độ dốc địa hình lớn (lưu vực suối Lủng Sao- xã Bằng Vân). Một số suối chỉ có nước vào mùa mưa, mùa khô hầu như không có. Vì vậy, khai thác nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt cần phải có sự đầu tư lớn.

Nguồn nước ngầm: Do địa hình miền núi nên nước ngầm chỉ có ở chân các hợp thuỷ và gần suối, mạch nước ngầm cách mặt đất khoảng từ 3- 3,5 m, hình thức khai thác là dùng giếng khoan.

b. Tài nguyên rừng: Diện tích đất Lâm nghiệp có 51.712,78 ha theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2010, chiếm 80,06% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó:

Rừng sản xuất có 26.468,41 ha, chiếm 47,34% diện tích đất nông nghiệp nghiệp.

Rừng phòng hộ có 25.244,37 ha, chiếm 45,15% diện tích đất nông nghiệp.

Về trữ lượng gỗ: Tính bình quân chung diện tích rừng gỗ (tự nhiên núi đất, núi đá, hỗn giao và rừng trồng) thì trữ lượng gỗ lớn đạt trên 45m3/ha với nhiều loại gỗ quý nhóm I, II, III... đối với rừng tre nứa hỗn giao đã cung cấp vật liệu cho xây dựng và nguyên liệu giấy.

* Khó khăn, hạn chế: Địa hình chia cắt mạnh và những yếu tố bất lợi của thiên nhiên như lũ lụt gây khó khăn, tốn kém trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, bố trí sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.