Thứ Sáu, 19/04/2024
Ngày đăng: 14/12/2022 - Lượt xem: 500
Xem với cỡ chữ

Tín hiệu mừng của Tổ hợp tác THT Cốc Đán

Được thành lập từ Dự án “Bánh mì cho thế giới”, Tổ hợp tác THT thôn Nà Cha, xã Cốc Đán với 7 thành viên, đều là dân tộc Tày thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ những sản phẩm nông sản sẵn có, cộng với ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây đã tạo nên những sản phẩm hữu ích, bước đầu mang lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng.

           Được thành lập từ Dự án “Bánh mì cho thế giới”, Tổ hợp tác THT thôn Nà Cha, xã Cốc Đán với 7 thành viên, đều là dân tộc Tày thuộc diện hộ nghèo của xã. Từ những sản phẩm nông sản sẵn có, cộng với ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây đã tạo nên những sản phẩm hữu ích, bước đầu mang lại nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng.

 

Những chiếc chổi “Tâm linh” được làm từ sợi rơm “Khẩu nua lếch” của chị em Tổ hợp tác THT Cốc Đán góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống

 

          Sản phẩm ban đầu của Tổ hợp tác THT là cốm và gạo từ “Khẩu nua lếch”, song nhận thấy số lượng rơm từ các sản phẩm này rất nhiều, một số ít được người dân để dành bện chổi quét, đốt lấy tro làm bánh phục vụ gia đình, còn hầu hết chỉ đốt bỏ rất lãng phí. Từ ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo léo của chị em trong Tổ, số lượng rơm này đã được giữ gìn sạch sẽ để bện chổi “Tâm linh” quét dọn bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

          Sợi rơm thơm “Khẩu nua lếch” – sản phẩm gắn liền với văn hóa lúa nước từ ngàn đời nay của con dân đất Việt, cùng sự định hướng của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, với ý nghĩa sạch sẽ, thanh tao, những chiếc chổi “Tâm linh” đã được hình thành và trở thành hàng hóa xúc tiến thương mại tại Hội chợ giới thiệu Tuần lễ Miến Dong Bắc Kạn tại Hải Phòng vừa qua. Cũng tại đây, chổi “Tâm linh” của THT đã được nhiều khách hàng đánh giá cao.

          Ngày 11/12 vừa qua, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Greentech đã tới thăm và trực tiếp thẩm định cũng như xem quy trình bện chổi của Tổ hợp tác THT. Tại đây, Giám đốc Hợp tác xã – chị Vi Thùy Dương đánh giá cao sản phẩm chổi “Tâm linh” của Tổ. Cũng theo chị Dương, từ rơm cốm sẽ có 2 dòng sản phẩm cần phân định rõ, chổi lớn để dùng cho quét nhà và được đưa ra các sạp chợ để bán, còn ngày Tết gia đình nào cũng cần chổi nhỏ để quét bàn thờ, thuộc về đồ tâm linh, sản phẩm này sẽ bán được giá cao, tuy nhiên phụ thuộc vào việc chúng ta làm đẹp đến như thế nào.

          Cũng tại đây, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Greentech đã ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ 500 chiếc chổi “Tâm linh”với Tổ THT. Cùng với đó, tro từ rơm rạ, trấu của “Khẩu nua lếch” cũng sẽ được xử lý sạch, đóng gói bán ra thị trường, vì đây cũng là sản phẩm khách hàng cần khi quyét dọn bàn thờ tổ tiên hằng năm.

          Phát biểu tại buổi ký kết, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Thịnh mong muốn, Tổ hợp tác THT sẽ luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. Cần hoàn thiện sản phẩm, gắn mã số, mã vạch, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm gắn với chuyển đổi số, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử để quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng.

          Theo ước tính của Tổ hợp tác THT trong năm 2022, Tổ đã sản xuất được 600kg cốm, với giá trung bình 90.000đồng/kg, thu về 54.000.000đồng. 4,5 tấn gạo “Khẩu nua lếch”, với giá 30.000đồng/kg, đã thu về 135.000.000 đồng. Dự ước với 4.000 chiếc chổi sẽ được sản xuất trong thời gian tới, với giá trung bình 20.000đ/chiếc, Tổ sẽ thu về khoảng 80.000.000 đồng. Như vậy, với chuỗi sản phẩm này sẽ cho thu nhập hơn 46 triệu đồng/thành viên.

          Việc sản xuất sản phẩm chổi “Tâm linh” ở Tổ hợp tác THT là hướng đi mới, nhằm thực hiện mục tiêu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; đồng thời quan tâm phát triển các sản phẩm phụ, tận dụng được lợi thế để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, góp sức cùng địa phương giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nhân dân. Đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án để triển khai, nhân rộng, tham gia chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Ngọc Anh