Thứ Bảy, 20/04/2024
Ngày đăng: 24/06/2019 - Lượt xem: 222
Xem với cỡ chữ

Nét đẹp trang phục phụ nữ dân tộc Mông Ngân Sơn

Trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Ngân Sơn luôn rất sặc sỡ. Tuy nhiên, để làm nê một bộ trang phục hoàn chỉnh thì mất rất nhiều thời gian và công sức của các bà, các mẹ, các chị và những người thợ. Sự tài tình của người phụ nữ Mông chính là họ có thể làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình bằng chính đôi bàn tay khéo léo.

     Cùng với tiếng nói, chữ viết, thì trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.

 

     Chị Phùng Thị Chợ, thôn Cốc Ỏ, xã Thuần Mang cho biết: “Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay, váy, yếm được thêu bằng tay. Bộ trang phục được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Chính bởi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn may, thêu từng chi tiết của trang phục nên hiện nay, dù có một số công đoạn được may (thay vì khâu tay như trước) thì để làm ra một bộ trang phục nữ của người Mông cũng mất khá nhiều thời gian. Riêng may phần thô thì một bộ quần áo đã mất 2 - 3 ngày, còn phần thêu thì 2 tuần. Bộ nào cầu kỳ thì cũng đến 1 tháng”.

 

Người phụ nữ Mông thôn Cốc Ỏ, xã Thuần Mang trong bộ trang phục truyền thống 

 

Chiếc váy của người phụ nữ dân tộc Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, là vật để che thân mà chiếc váy còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp còn là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. Vẻ đẹp của váy là một tác phẩm văn hóa vừa gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác. Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Những thành quả ấy tưởng chừng như một công việc đời thường được thực hiện vào những ngày nông nhàn yên tĩnh. Song, sự yên tĩnh ấy lại chính là một hoạt động sôi nổi mang đầy đủ tính chất của nghệ thuật. Tính sôi nổi trong sự lặng lẽ đó là một đặc trưng của hầu hết các cư dân miền núi, khi mà nền kinh tế còn manh mún, bao trùm hết thảy là nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, khi mà các vấn đề khác chưa trở thành quan trọng trong cuộc sống. Trong đó, nghề dệt vải, thêu thùa được coi là nghề phụ, do phụ nữ đảm nhận. Có thể nói hoa văn trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh, Bà Hoàng Thị Vinh, thôn Cốc Xả (thì trấn Nà Phặc) cho biết: “Người phụ nữ giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái người Mông được mẹ tặng cho bộ váy áo như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Cũng vì thế, đối với thiếu nữ, việc học thêu thùa là một bổn phận: phải lo cái mặc cho gia đình. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục thêu in nhiều mẫu hoa văn, lo cho chồng con mặc đẹp”. Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ dệt may, nhiều chất liệu mới được bày bán trên thị trường nên nghề trồng cây lanh dệt vải không còn phổ biến, phụ nữ Mông thường mua vải về thêu, may thành những bộ trang phục có đính hạt cườm, kim tuyến rất lộng lẫy. Dù được làm bằng chất liệu gì thì bộ trang phục của phụ nữ Mông ở Ngân Sơn cũng vẫn giữ nguyên được cái hồn, tạo nên sắc thái riêng khó nhầm lẫn với dân tộc khác.

Triệu Thu