Thứ Sáu, 19/04/2024
Ngày đăng: 09/09/2019 - Lượt xem: 285
Xem với cỡ chữ

Nghề chạm bạc của người Dao tiền Ngân Sơn

Đối với người dân tộc Dao tiền ở huyện vùng cao Ngân Sơn, bạc được coi là món đồ thiết yếu trong mỗi gia đình, và nghề chạm bạc là một nghề truyền thống, cha truyền con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác

        Trải qua thời gian, nghề chạm bạc vẫn tồn tại và có vị trí nhất định trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao Tiền Ngân Sơn. Nghề này không chỉ tạo nguồn thu nhập mà còn là bản sắc văn hóa riêng có của người Dao. Bởi, đeo bộ trang sức bằng bạc kết hợp với trang phục truyền thống là niềm mơ ước, tự hào của phụ nữ nơi đây. Chính vì vậy, thợ chạm bạc ở đây chủ yếu là tạo ra các sản phẩm: vòng cổ, xà tích như sợi dây xích, phụ nữ dùng đeo ở thắt lưng, cúc áo, châm cài tóc, khuyên tai và vòng tay. Các công đoạn tạo nên sản phẩm chủ yếu làm thủ công, do đó đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo và kiên trì. Hơn 50 năm gắn bó với nghề chạm bạc, ông Triệu Thừa Thông, thợ chạm bạc ở thôn Nà Chúa, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn nhận thấy phụ nữ Dao nơi đây vẫn luôn thích sở hữu bộ trang sức bằng bạc truyền thống và đến nay phụ nữ người Dao tiền vẫn thích các sản phẩm thủ công. Ông Thông chia sẻ, để hoàn thành 1 bộ trang sức khá tốn thời gian, riêng bộ cúc áo cũng phải mất 4 ngày làm liên tục, một bộ vòng cổ gồm 7 cái, muốn hoàn chỉnh phải làm liên tục một tháng, có thể phải hơn tháng mới cho ra được bộ sản phẩm.

 

        Để hoàn thành một sản phẩm, thợ chạm bạc đều phải trải qua 3 công đoạn chính gồm: nấu chảy, chạm bạc và đánh bóng. Với những mẩu bạc vụn ban đầu được nấu chảy trên bễ than, sau đó sẽ kéo sợi hoặc tán thành miếng tùy sản phẩm. Tiếp đến là công đoạn chạm bạc, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất, hoàn thành một sản phẩm có thể mất từ vài ngày đến vài tuần, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, kiên trì. Khi hoàn thành sản phẩm, người thợ dùng phèn chua đánh bóng.

 

        Là đời thứ 3 trong gia đình theo nghề chạm bạc, ông Triệu Tiến Liềm ở thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng đã chế tác nhiều bộ trang sức bằng bạc cho phụ nữ của dân tộc mình. Gắn bó với nghề hơn ba chục năm, lợi nhuận không là bao, thế nhưng ông Liềm luôn tự nhủ bản thân góp một phần công sức nhỏ bé của mình để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đã rất đỗi tự hào.

 

Chạm bạc được coi là nghề truyền thống của người Dao tiền Ngân Sơn

 

        Những sản phẩm bạc của người Dao tiền khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các dân tộc khác, ở kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí, mô tip hoa văn tinh vi, cân đối ở thủ pháp xử lý sáng, tối. Tất cả đều được thể hiện ở bộ cúc áo, những chùm chuông, cúc đính ở tám mảnh vải sau lưng nối với vòng cổ hay cả những đôi hoa tai, vòng cổ, vòng tay. Các sản phẩm mỹ nghệ này là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo của người thợ. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân chạm khắc bạc dân tộc Dao nói chung và dân tộc Dao tiền nói riêng đã đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ trang sức của chính người dân và được các dân tộc khác đánh giá rất cao về tính thẩm mỹ và sự tinh xảo trong nghệ thuật chạm khắc tạo hình. 

 

        Cùng với dòng chảy thời gian, ngày nay nghề chạm bạc đang dần mai một, thợ chạm bạc cũng không còn mấy ai. Dù hiện nay trên thị trường có các loại trang sức bạc được chế tác bằng công nghệ hiện đại nhưng với người dân vùng cao và đặc biệt với dân tộc Dao tiền ở Ngân Sơn, bạc truyền thống được chạm thủ công vẫn được ưa chuộng, nhất là trang sức không thể thiếu gắn liền với bộ trang phục của người phụ nữ, trong các nghi lễ truyền thống như: cưới xin, lễ hội, đón Tết./.

Triệu Thu