Thứ Sáu, 19/04/2024
Ngày đăng: 23/12/2019 - Lượt xem: 4723
Xem với cỡ chữ

Ý nghĩa biểu trưng của các hoa văn trong trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền

Có thể nói, bộ trang phục truyền thống cũng giống như một cuốn sách lịch sử, văn hóa vậy, lịch sử được ghi lại bằng bàn tay và tâm hồn người phụ nữ Dao Tiền, những người không biết chữ, không có vị trí quan trọng trong dòng tộc, nhưng lại chắt lọc được những gì quan trọng nhất trong thế giới tâm hồn của con người và bộ tộc.

         Người Dao Tiền cư trú ở nhiều vùng khác nhau tạo cho mình những nét riêng biệt, phải chăng để phù hợp với môi trường mình đang sinh sống? hay để đánh dấu một cá tính cá nhân? Nguyên do của sự thay đổi đó hé mở cho ta thấy được một sự giao thoa, tiếp biến của những nền văn hóa khác nhau, sự gặp gỡ đó đã phần nào tác động đến quan niệm của từng cá nhân. Môi trường sống khác nhau buộc con người phải cải tiến phù hợp, rồi dần dần quan niệm về cái đẹp của họ cũng biến đổi. Tuy vậy, việc thể hiện hoa văn trên trang phục, từ màu sắc đến vị trí của từng hoa văn, từ số lượng đến chất lượng hoa văn cũng giúp người ta dễ nhận biết được người đó cư trú ở đâu, bản thân người đó có tỉ mỉ, chăm chỉ hay không? sự đa dạng trong hoa văn cũng cho ta thấy được dân tộc Dao Tiền vừa giữ gìn, tạo dựng, phát huy cái đẹp, cái cổ truyền mà vẫn chứa đựng sự sáng tạo riêng của vùng miền, của cá nhân.

 

          Mỗi dân tộc có cách tạo hình trang trí và sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng của mình. Đó là sự thể hiện một trình độ tay nghề khéo léo, một đời sống tâm hồn phong phú, giàu chất mỹ cảm nguyên sơ, một năng lực biểu tượng hóa các huyền thoại của dân tộc, biểu tượng hóa dòng lịch sử của dân tộc mà vẫn không tách biệt khỏi cuộc sống đời thường. Hoa văn hình 6 chiếc thuyền được người dân tộc cách điệu một cách khá cầu kỳ và bắt mắt, hai chiếc thuyền xếp chồng lên nhau, và cứ thế 3 hàng có 6 chiếc thuyền, thể hiện được tính chất cộng đồng và sự gắn kết bền chặt của người dân tộc Dao. Hoa văn này không đơn thuần chỉ là họa tiết trang trí trên áo mà nó còn mang theo cả một câu chuyện dài đầy ý nghĩa nhân văn nhắc nhở con cháu về quá trình di cư của người Dao. Thông qua câu chuyện về việc tiên phong di cư tìm đất của họ Đặng và họ Bàn, về mối thù giữa hai họ, hoa văn cũng như một bản ghi nhớ lời nguyền, một lời nhắc nhở các cô gái mỗi lần dệt vải, làm váy áo, rằng, người Dao Tiền không bao giờ bao dung cho sự phản bội, sự nhẫn tâm với bạn bè.

 

          Hoa văn con chó tiếng Dao Tiền gọi là “Tào chố”, trong truyền thuyết, con chó có tên gọi là “Long Khuyển”. Đây là hoa văn được xuất hiện trên trang phục nữ giới nhiều nhất (40 con) với nhiều hướng quay khác nhau, các bà các mẹ thêu hoa văn hình đơn hoặc đôi hoặc tư, được thể hiện bằng màu chỉ trắng. Hoa văn này được sử dụng xuyên suốt trong ba bộ trang phục truyền thống bởi trong văn hóa tâm linh của dân tộc Dao Tiền, con chó là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với con người, là con vật mà người Dao đem về nhà thuần hóa đầu tiên để phục vụ con người thời kỳ còn săn bắt; chó cũng là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui; và quan trọng hơn cả, con chó là một nhân vật quan trọng trong truyền thuyết của người Dao về vua Bàn Vương, trong chuyện rồng hóa thân thành con chó để giúp Bình Vương dựng nước, cứu  nước. Có thể nói, được cách điệu hóa dưới bàn tay của người phụ nữ, những huyền thoại về lịch sử được khắc họa bằng hoa văn cho thấy sức sống lâu bền và mãnh liệt của văn hóa dân gian, của trí tưởng tượng dân gian. Hoa văn biểu tượng mặt trời trên chiếc cúc bạc và đến hình tượng được khắc trên chiếc trống đồng Lãng Ngâm của Trung Quốc có sự tương đồng trong biểu tượng văn hóa của hai dân tộc ở hai đất nước khác nhau, nó cũng lý giải được phần nào về nguồn gốc Trung Hoa của người Dao trước khi di cư sang Việt Nam. Các hoa văn hình mặt trời, hình con hươu và cây “xôm”, hình chim sáo, hình “chồng nhài”, hình quả trám. Tất cả các hoa văn này, dù được cách điệu và sử dụng nhiều hay ít đều cho thấy sự gắn bó và lòng biết ơn của người Dao Tiền đối với những gì thiên nhiên mang lại cho họ, qua đó họ cũng thể hiện một khát vọng sống hòa bình, yên ổn, trường thọ, thể hiện một triết lý nhân sinh sâu sắc: “con người sống, tồn tại cùng với cây cỏ, nhờ cây cỏ và sau khi chết cũng hoá thân thành cây cỏ”.

 

Hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền không đơn thuần là hình thức trang trí, tạo vẻ đẹp cho bộ trang phục mà thông qua đó chúng ta thấy được đời sống sản xuất, lao động, sinh hoạt, giao lưu văn hóa cũng như quá trình phát triển của một tộc người

 

Hoa văn hình chữ thập ngoặc, biểu tượng được đặt trên vai áo,thể hiện quan niệm của người Dao Tiền về sự phù trợ của các vị thần, những người luôn ở ngay bên cạnh giúp đỡ họ, che chở họ, đem đến những gì may mắn, hạnh phúc, những gì tốt nhất cho họ. Hoa văn hình mây trên vòng tay là biểu trưng cho vận tốt và phúc lành, biểu thị sự thái bình, được sử dụng để làm hoa văn trang trí cho chiếc vòng tay mang ý nghĩa tốt lành đến đối với cư dân nông nghiệp. Mặt khác, người Dao Tiền cũng gửi gắm một ý nghĩa kín đáo trong hình tượng này, bởi mây là dấu hiệu báo hiệu cơn mưa, và cuộc “mây mưa” còn có ý nghĩa phồn thực. Trong những nghi lễ truyền thống như: “chấu hòn” thì vòng tay này được dùng để đặt trên bát gạo đang được cúng, người Dao Tiền quan niệm, nếu đặt như vậy thì mới có ứng nghiệm./.

Triệu Thu