Các sản phẩm đặc trưng địa phương trưng bày tại Chương trình giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực địa phương (Trong ảnh: Đ/c Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thăm quan sản phẩm Hạt Dẻ của xã Đức Vân)
Sản phẩm Bún khô, phở khô của HTX Quỳnh Niên vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Ngân Sơn chấm nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao cấp huyện. Sản phẩm này cũng vừa được đánh giá lại đạt yêu cầu sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Được công nhận, HTX tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng mới. Theo bà Lý Thị Niên- Giám đốc HTX bún phở Quỳnh Niên cho biết: sản phẩm được đánh giá, phân hạng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo thương hiệu cho sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ người tiêu dùng.
Hiện nay, toàn huyện có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong năm 2022, huyện khích lệ các chủ thể đăng ký những sản phẩm OCOP mới mang tính đặc thù của địa phương như: cốm khẩu nua lếch, nấm hương, dưa lưới. Các sản phẩm này đã được hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh thẩm định. Để các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, huyện Ngân Sơn đã hỗ trợ các chủ thể triển khai hoạt động sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, hoàn thiện quy trình sản xuất, bộ máy hoạt động. Hoàn thiện sản phẩm như thiết kế bao bì sản phẩm, thông tin ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ…
Huyện Ngân Sơn đã triển khai Nghị quyết 01, Thông tư 53 về việc hỗ trợ các chủ thể kinh tế sản xuất, liên kết sản xuất. Hiện nay, huyện Ngân Sơn có 1 dự án trồng dẻ ván được hỗ trợ sản xuất hữu cơ năm thứ 2, hỗ trợ máy xay sát, máy tráng bún cho sản phẩm bún phở khô Quỳnh Niên và khẩu nua lếch Thượng Quan. Từ nay đến năm 2025 huyện có 7 chủ thể kinh tế được hỗ trợ phát triển sản xuất. Cùng với đó, huyện Ngân Sơn đã tạo điều kiện, khuyến khích các chủ thể có sản phẩm OCOP hoặc chưa tham gia sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương.
Ông Nông Văn Hoạt- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Phòng chuyên môn tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể, các hợp tác xã có sản phẩm OCOP, theo định hướng chung chúng tôi tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn theo hướng gắn các sản phẩm của địa phương mang tính đặc trưng đặc sản; các sản phẩm được quảng bá, xúc tiến thương mại, được nhiều người biết đến; tiếp tục gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch trải nghiệm, như trải nghiệm vườn hạt dẻ tại xã Đức Vân; trưng bày các sản phẩm OCOP tại các gian hàng trên các trạm dừng chân ở đỉnh Đèo Gió xã Vân Tùng.
Xác định chương trình OCOP tiếp tục là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, huyện Ngân Sơn đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên về cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới./.