Thứ Hai, 02/10/2023
Ngày đăng: 25/04/2023 - Lượt xem: 87
Xem với cỡ chữ

Tổng tuyển cử 1976 đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước

Vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) - Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 3 (Bắc Thái) bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa VI (Ảnh tư liệu)

 

Cuộc bầu cử đã tiến hành nhanh, gọn. “Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ chung trong cả nước là 98,77%. Miền Bắc tỷ lệ đi bầu là 99,36%, hầu hết các tỉnh đều đạt trên 99% (trừ Bắc Thái 98,55%, Cao - Lạng 98,48% và Hà Tuyên 98,44%). Tỉnh đạt cao nhất là Thái Bình 99,93%, rồi đến Hà Nam Ninh 99,87% và Hà Nội 99,82%. Ở miền Nam, tỷ lệ cử tri đi bầu là 98,17%. Nơi đạt tỷ lệ cao nhất là Trị Thiên với 99,56%, Minh Hải đạt 98,20%. Thành phố Sài Gòn đạt 98,24%. Tỉnh có tỷ lệ đi bầu thấp nhất là Đồng Tháp cũng đạt 96,13%.

Ở cả hai miền đều có nhiều huyện, xã, khi bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. Trong cả nước, số đại biểu quy định là 492: Miền Bắc 249, miền Nam 243. Số người ra ứng cử là 605: Miền Bắc 308, miền Nam 297. Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu”.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một thắng lợi chính trị to lớn của Nhân dân trên con đường đấu tranh thống nhất nước nhà, là một cuộc biểu dương lực lượng rộng lớn, đoàn kết của Nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, kiên quyết phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì đời sống ấm no hạnh phúc cho mọi người dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử có ý nghĩa rất quan trọng làm nức lòng Nhân dân cả nước và có tiếng vang lớn trên thế giới. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Lao động Việt Nam, là một thắng lợi chính trị to lớn nhất của Nhân dân ta từ sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình mở rộng và củng cố chính quyền Nhà nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của Nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta tự mình nắm lấy vận mệnh của mình để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nó khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân ta quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Với kết quả đạt được, ngày 24/6/1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, có 482/492 đại biểu về dự, đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, góp phần vào sự trưởng thành, vững mạnh của Quốc hội Việt Nam. Kết quả của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đã hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của quần chúng nhân dân và yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, tập trung cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất, mở ra khả năng to lớn để phát triển quan hệ với các nước trên thế giới.

Từ năm 1981 đến nay, Nhân dân ta đã 9 lần bầu ra Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) được bầu ngày 26/4/1981; Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) được bầu ngày 19/4/1987; Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) được bầu ngày 19/7/1992; Quốc hội khóa X (1997 - 2002) được bầu ngày 20/7/1997; Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) được bầu ngày 19/5/2002; Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) được bầu ngày 20/5/2007; Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011; Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) được bầu ngày 22/5/2016; Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) được bầu ngày 23/5/2021. Qua từng nhiệm kỳ, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; luôn khẳng định vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976 - 25/4/2023) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại ngày lịch sử trọng đại của dân tộc và của Quốc hội Việt Nam./.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn