Công điện nêu rõ, thực hiện Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 09/8/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8 /8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét. Từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nhà cửa, tài sản của nhân dân, nhiều tuyến giao thông, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mưa lũ cũng đã làm thiệt hại nhà cửa của nhân dân, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, ảnh hưởng diện tích lúa, hoa màu của nhân dân,... Để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các Phòng, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 4143/UBND-NNTNMT ngày 03/7/2023 về việc thực hiện Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4250/UBND-NNTNMT ngày 05/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; nắm chắc tình hình,chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét và tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
1.1. Trước mắt khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
- Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
- Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
- Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, hầm lò… Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
1.2. Về lâu dài:
- Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven suối, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ);
- Tổ chức rà soát, chỉ đạo đề xuất xây dựng dự án, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện để báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của Nhân dân.
2. Phòng Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai huyện) theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống khẩn cấp (nếu có).
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường: Tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.
4. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở; chủ động chỉ đạo, điều phối, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có tình huống theo đề nghị của địa phương.
5. Chi nhánh Điện lực Ngân Sơn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện.
6. Phòng Kinh tế và hạ tầng Chủ động kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo thông suốt trên các trục giao thông.
7. Hợp tác xã Nước sạch và vệ sinh môi trương huyện; Trạm Thủy nông huyện và UBND các xã, thị trấn: Chủ động kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thực hiện vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn; cảnh báo sớm người dân vùng hạ du khi có nguy cơ xảy ra sự cố; yêu cầu bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Khoanh vùng, xác định cụ thể diện tích có thể bị ngập úng để có phương án phù hợp bảo vệ diện tích hoa màu. Thực hiện một số nội dung khác theo Công điện số 885/CĐ-TCTL-ATĐ ngày 16/7/2023của Cục Thủy lợi- Bộ Nông nghiệp và PTNT.
8. Phòng Văn hóa thông tin; Trung tâm Văn hóa và truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, ứng phó cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, lũ quét.
9. Các Phòng, ban, ngành chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền
10. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ trong ngày có mưa, lũ; thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy về Phòng, chống thiên tai huyện để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong huyện, thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện; và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Xem Công điện tại đây