Friday, 04/10/2024
Ngày đăng: 13/09/2023 - Lượt xem: 222
Xem với cỡ chữ

Chi bộ Chí Kiên ra đời tạo bước ngoặt cho phong trào cách mạng tại Bắc Kạn

Cách đây 80 năm, ngày 22/9/1943, Chi bộ Chí Kiên - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được thành lập tại Bản Duồm, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Doanh Hằng (bên trái) tại lễ khánh thành bia Di tích lịch sử Chi bộ Chí Kiên năm 1995 (Ảnh tư liệu)

 

I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI VÀ Ý NGHĨA SỰ KIỆN THÀNH LẬP CHI BỘ CHÍ KIÊN

Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, là đầu mối trung chuyển thuận lợi giữa miền ngược - miền xuôi; giữa biên giới Đông Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ; là phên dậu vững chắc bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Do vậy, Bắc Kạn có vị trí quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuối thế kỷ XIX, sau khi chiếm các tỉnh Thượng du Bắc Kỳ, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia nhỏ các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, phủ để thành lập thêm các tỉnh có phạm vi nhỏ hơn nhằm mục tiêu dễ bề cai trị. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn được thành lập theo Nghị định ngày 11/4/1900 của Toàn quyền Đông Dương Pôn Đume (Paul Doumer).

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, phong trào yêu nước, đấu tranh chống lại thực dân Pháp diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5 năm 1941) quyết định chọn Việt Bắc làm căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang. Do đó, vấn đề liên lạc giữa các trung tâm cách mạng Việt Bắc với nhau và với Trung ương ở miền xuôi ngày càng cấp thiết. Bên cạnh hình thức giao thông bí mật có từ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị “Xây dựng những con đường quần chúng” - những cơ sở cách mạng mới nối liền các trung tâm cách mạng với nhau.

Thực hiện chỉ thị đó và theo quyết định của Ban Việt Minh Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, công tác mở đường Nam tiến được khẩn trương chuẩn bị. Tháng 9 năm 1942, tại tỉnh Cao Bằng, Ban xung phong Nam tiến được thành lập, Ban chỉ đạo của Ban xung phong Nam tiến gồm các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Dương Văn Long do đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Chi bộ Nam tiến là hạt nhân của Ban xung phong Nam tiến do đồng chí Nông Văn Quang làm Bí thư, có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức phong trào Nam tiến từ Nguyên Bình (Cao Bằng) xuống Bắc Kạn. Đây là nhân tố rất quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng Đảng và phát triển phong trào Việt Minh ở Bắc Kạn. 2

Tháng 4 năm 1943, bộ phận đầu tiên của đoàn quân Nam tiến đã đến châu Ngân Sơn và từ đây chia làm hai mũi tiến quân theo hai hướng chính: Mũi thứ nhất do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách xuất phát từ xã Thượng Ân đi qua xã Cốc Đán sang xã Hà Hiệu (châu Chợ Rã), rồi từ Hà Hiệu vượt qua Phja Bjoóc tiến về xã Nghĩa Tá (châu Chợ Đồn). Mũi thứ hai do đồng chí Dương Văn Long phụ trách xuất phát từ xã Thượng Ân, đi qua các xã Bằng Đức, Đức Vân, Vân Tùng, Thượng Quan, Thuần Mang xuống châu Bạch Thông. Đoàn quân Nam tiến đi đến đâu xây dựng cơ sở Việt Minh và lực lượng bán võ trang của quần chúng đến đấy; phương châm hoạt động là “phát triển theo lối cóc nhảy và củng cố theo vết dầu loang”.

Được sự giúp đỡ trực tiếp và mạnh mẽ của đoàn quân Nam tiến, phong trào Việt Minh ở châu Ngân Sơn có đà phát triển mới; chỉ trong một thời gian ngắn, ở hầu khắp Ngân Sơn đã xây dựng được các cơ sở cách mạng. Quần chúng nhân dân ở nhiều xã vùng cao của châu Ngân Sơn được tổ chức vào hội Việt minh. Ban Việt minh cấp xã, cấp tổng được thành lập.

Dưới sự chỉ đạo, tổ chức của các đội Nam tiến, hàng chục cuộc mít tinh đã được tổ chức ở Thượng Ân, Cốc Đán, Đức Vân, Vân Tùng... Trong đó, đáng chú ý hơn cả là hai cuộc mít tinh ở Diều Phon và Khưa Vài (xã Thượng Ân), nhất là cuộc mít tinh ở Diều Phon mừng thắng lợi “Đại hội Liên hoan các dân tộc Cao- Bắc[1]Lạng” đã tập hợp hầu hết các hội Việt Minh trong toàn châu Ngân Sơn. Đến thời điểm này, các điều kiện để thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở châu Ngân Sơn đã hội đủ.

Đêm 22/9/1943, dưới chân thác nước tại khu ruộng Coỏng Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, tổng Bằng Đức, châu Ngân Sơn, với sự có mặt của đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), chi bộ Nam tiến tổ chức kết nạp những hội viên trung kiên vào Đảng gồm đồng chí Thành Tâm (tức đồng chí Đồng Văn Bằng) và đồng chí Đông Sơn (tức đồng chí Doanh Hằng) và tuyên bố thành lập chi bộ Chí Kiên do đồng chí Nghĩa (tức đồng chí Dương Mạc Hiếu) là đảng viên, cán bộ Nam tiến phụ trách tổng Bằng Đức làm Bí thư chi bộ (Để tưởng nhớ đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, một trong những người chỉ huy Cứu quốc quân đã hy sinh anh dũng tại Khau Pàn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (ngày 22 tháng 8 năm 1941), các đồng chí cán bộ Nam tiến đã đặt tên bí mật cho tổng Bằng Đức là tổng Chí Kiên. Chi bộ đầu tiên thành lập ở tổng Bằng Đức gọi là chi bộ Chí Kiên).

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1943 các đội xung phong Nam tiến đến tỉnh Bắc Kạn đã tỏa đi nhiều địa phương như châu Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Rã, Chợ Đồn và tuyên truyền, vận động, huấn luyện, kết nạp được một 3 số đảng viên tuy nhiên chỉ có châu Ngân Sơn thành lập được chi bộ Đảng. Điều này cho thấy, vào thời điểm đó Ngân Sơn là địa phương duy nhất hội tụ đủ điều kiện để thành lập chi bộ Đảng và Ban Xung phong Nam tiến đại diện là đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nắm bắt kịp thời, chính xác để tạo tiền đề thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn phát triển một cách nhanh chóng và rộng khắp.

Chi bộ Chí Kiên là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kạn, sự kiện này là thắng lợi lớn đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quần chúng Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cùng Nhân dân cả nước trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đội ngũ cán bộ trung kiên của tỉnh đã được giác ngộ, tiếp thu đường lối cách mạng, từ đây phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh.

Sau khi Chi bộ Đảng Chí Kiên ra đời, căn cứ vào chỉ thị, nghị quyết của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Chi bộ Chí Kiên đã đề ra chương trình hành động quan trọng để chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng võ trang của quần chúng, phối hợp với chi bộ “Nam tiến” phát triển phong trào cách mạng sâu rộng xuống phía Nam của tỉnh Bắc Kạn. Tháng 10/1943, Ban Chấp hành Việt Minh tổng Chí Kiên được thành lập tại bản É (thuộc xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn).

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Chí Kiên, của Trung ương Đảng, từ Ngân Sơn, Chợ Rã phong trào cách mạng đã nhanh chóng phát triển xuống phía nam, ở các vùng núi cao, mở rộng sang Chợ Đồn, Bạch Thông. Với những hoạt động tích cực của các mũi xung phong Nam tiến, Bắc tiến, tháng 10/1943 hai đoàn Nam tiến và Bắc tiến đã gặp nhau ở xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn), con đường liên lạc giữa các trung tâm cách mạng Việt Bắc được khai thông. Song song với đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến, phong trào Đông tiến (từ Cao Bằng phát triển xuống Lạng Sơn), Tây tiến (từ Cao Bằng đánh thông qua vùng cao Bắc Kạn, Tuyên Quang) được đẩy mạnh.

Có thể nói, cho đến cuối năm 1943, phong trào cách mạng ở Bắc Kạn đã phát triển rộng khắp, cùng với sự ra đời của Ban cán sự đảng tỉnh Bắc Kạn đầu năm 1944 đánh dấu bước trưởng thành của tổ chức Đảng, mà khởi đầu là sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - Chi bộ Chí Kiên tạo đà cho một thời kỳ mới - thời kỳ vùng dậy oanh liệt của Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn dưới sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cách mạng tiền bối.

II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TỪ KHI CÓ CHI BỘ CHÍ KIÊN ĐẾN TRƯỚC TÁI LẬP TỈNH NĂM 1997

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Bắc Kạn trở thành trung tâm của chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, đồng bào các dân tộc đã chia ngọt, sẻ bùi, không tiếc máu xương, một lòng trung kiên theo cách mạng. Trong kháng chiến gian khổ, đồng bào Bắc Kạn kiên cường dũng cảm, vừa làm nhiệm vụ hậu phương, vừa trực tiếp tham gia kháng chiến, làm nên thắng lợi vẻ vang, đưa Bắc Kạn trở thành địa phương đầu tiên của cả nước được giải phóng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (tháng 8/1949).

Sau giải phóng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã cùng với Nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh; khôi phục kinh tế, xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Bắc Kạn đã hoàn thành nghĩa vụ hậu phương với tiền tuyến, cùng với Nhân dân cả nước giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), Nhân dân Bắc Kạn tiếp tục khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái.

 Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI (29/12/1978) đã phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Do vậy, hai huyện Ngân Sơn, Chợ Rã (Ba Bể) thuộc tỉnh Bắc Thái được tách ra và nhập vào tỉnh Cao Bằng.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội (khóa IX) ra Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chuyển 02 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn.

III. THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH SAU 26 NĂM TÁI LẬP

Ngay sau khi Quốc hội (khóa IX) ban hành Nghị quyết chia tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Ngày 12/12/1996, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời gồm 11 đồng chí.

Ngày 01/01/1997, lễ tái thành lập tỉnh Bắc Kạn được tổ chức long trọng tại thị xã Bắc Kạn. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Việc tái lập Tỉnh là cơ hội tốt để Bắc Kạn phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khi mới tái lập tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn, với xuất phát điểm thấp, tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thấp kém, nhà cửa, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại thiếu thốn, đường giao thông khó khăn. Toàn tỉnh có 6 huyện, thị và 112 xã, phường, thị trấn, trong đó có 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia, 93 xã chưa có điện thoại. Trình độ dân trí thấp, với 36 % số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều tập tục và phương thức canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo trên 50% số hộ dân. Bộ máy tổ chức các cơ quan mới bắt đầu củng cố, sắp xếp đi vào hoạt động vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Trong 112 xã, phường, thị trấn đã có 103 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trải qua chặng đường 26 năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

1. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị

Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Khi mới tái lập, Đảng bộ tỉnh có 9 đảng bộ trực thuộc, với 299 tổ chức cơ sở đảng và 6 11.102 đảng viên. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 11 đảng bộ trực thuộc, 432 tổ chức cơ sở đảng. Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, hiện nay toàn Đảng bộ có 36.808 đảng viên (chiếm hơn 11% dân số). Chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, nhất là trình độ học vấn cao ngày càng tăng đã góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên.

Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh từng bước được đổi mới; hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng hiệu lực, hiệu quả, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân. Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Công tác tư tưởng và giáo dục lý luận chính trị được thực hiện tích cực, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó đã kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả, khơi dậy niềm tự hào của quê hương cách mạng, từ đó tạo sức lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được đặc biệt quan tâm đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch và giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể ngày càng phát huy được vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân; tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh

Sau 26 năm tái lập, tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một nền kinh tế với quy mô nhỏ, thấp nhất trong khu vực, qua 26 năm xây dựng, phát triển, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn đã có bước tiến quan trọng. Tổng sản phẩm GRDP năm 2022 theo giá so sánh ước đạt 8.300 tỷ đồng, tăng trưởng 6,07% so với năm 2021. Quy mô ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 ước đạt trên 2.290,8 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1997 và chiếm 28,9% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Độ che phủ rừng của tỉnh tăng lên 73,4%, Bắc Kạn trở thành địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Thu ngân sách 7 năm 2022 đạt 855 tỷ đồng (vượt 13% so với dự toán Trung ương giao) tăng hơn 50 lần so với năm 1997. Dự kiến thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 đạt 468 tỷ đồng bằng 47% kế hoạch thu ngân sách cả năm. Dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 7%, tăng hơn 2% so với năm 2022.

Được đánh giá có trữ lượng lớn khoáng sản kim loại màu trong khu vực, ngành công nghiệp của Bắc Kạn đã có những tăng trưởng nhất định. Công nghiệp chế biến của tỉnh cũng mang lại giá trị cao. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch mạnh từ công nghiệp khai khoáng sang công nghiệp chế biến, năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh so với năm 1997 được nâng lên rõ rệt; nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong những năm tiếp theo. Hiện nay khu vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,8%, dự ước 6 tháng đầu năm 2023 công nghiệp tăng trưởng 10%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 789.620 triệu đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, tỉnh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng đều qua các năm. Ngày 11/4/2023, VCCI đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đạt 65,15 điểm, tăng 13 bậc, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước. Đây là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Bắc Kạn. Kết quả này cho thấy nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển.

Khu vực dịch vụ là khu vực ổn định, tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế của tỉnh những năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 6.760 tỷ đồng, đạt 107,31% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2021; lũy kế 5 tháng năm 2023 ước đạt 3.245 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Từ chỗ không có sản phẩm xuất khẩu, đến nay, công tác này đã có nhiều khởi sắc. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khá, là điểm sáng trong phát triển khu vực dịch vụ, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt 85%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt 8,5 triệu USD, bằng 54,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp có nhiều tiến triển. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì phát triển ổn định, tính đến hết tháng 5 năm 2023 toàn tỉnh có khoảng 1.200 doanh nghiệp và 339 hợp tác xã đang hoạt động. Doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ được quan tâm, chú trọng đầu tư. Sau 26 năm, mạng lưới giao thông vận tải đã có nhiều chuyển biến, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện đến đường đi thôn bản được đầu tư tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, rộng khắp. Lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã được triển khai đồng bộ và có bước phát triển mạnh. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... được duy trì thực hiện tốt.

Công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

3. Mục tiêu, tầm nhìn và khát vọng vươn lên

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quý báu của 26 năm xây dựng và phát triển, xuất phát từ bối cảnh tình hình thực tế của đất nước và của tỉnh, Bắc Kạn phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn có nền kinh tế năng động; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường đáng sống. Xây dựng chiến lược phát triển với tư tưởng “Phát triển từ cội nguồn và nỗ lực tạo ra những thành tựu mới” từ đó hoạch định các chiến lược phát triển bao gồm: “Khai thác tiềm năng - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển bền vững”.

Bắc Kạn tập trung vào 4 đột phá phát triển: (1) Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; (2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; (3) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; (4) Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.

 Bằng ý chí và khát vọng vươn xa, bằng tư duy và cách làm mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đang quyết tâm xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đảm bảo an ninh chính trị, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư./

Thu Hường (Tổng hợp theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp)