Đồng chí Nông Bình Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn
Với niềm tự hào là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngân Sơn đã và đang chủ động, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội.
Để xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ luôn quan tâm, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Là một huyện còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là ở những thôn, bản vùng cao, do vậy huyện Ngân Sơn đặc biệt chú trọng phát triển đảng viên trong đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, chú trọng xóa thôn trắng đảng viên, chia tách chi bộ sinh hoạt ghép. Bởi đảng viên chính là những nhân tố tích cực, quy tụ và làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của quần chúng. Đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng các chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh.
Để làm được điều này, Huyện ủy Ngân Sơn đã giao chỉ tiêu cụ thể về công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên cho từng chi, đảng bộ. Đảng ủy cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc nắm vững quy trình, thủ tục, các bước triển khai từ khâu giới thiệu, tạo nguồn đến công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; thực hiện chặt chẽ từng bước, từng khâu... do vậy công tác phát triển đảng ở Ngân Sơn có chuyển biến tích cực.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền thị trấn Vân Tùng nhân dịp công bố Vân Tùng là thị trấn.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới của huyện đều đạt và vượt kế hoạch, đã kết nạp được 354 đảng viên, trong đó năm 2021 kết nạp được 147/120 đảng viên, đạt 122,5% kế hoạch; năm 2022 kết nạp được 124/120 đảng viên, đạt 103,3% kế hoạch; 8 tháng đầu năm 2023, kết nạp được 83/120 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ có 3.633 đảng viên, trong đó 89,5% là đảng viên người dân tộc thiểu số. Đến nay, Đảng bộ huyện không còn thôn trắng đảng viên; số chi bộ sinh hoạt ghép giảm từ 38 chi bộ trong năm 2020 đến nay xuống còn 10 chi bộ.
Cùng với công tác phát triển đảng viên, Đảng bộ huyện chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Trong nửa nhiệm kỳ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ huyện tiến hành kiểm tra theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng được 67 tổ chức đảng và 130 đảng viên, đã hoàn thành kiểm tra đối với 65 tổ chức đảng và 127 đảng viên, còn 02 tổ chức đảng và 03 đảng viên hiện đang trong thời gian kiểm tra theo đoàn của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2023; Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ sở kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 02 đảng viên. Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát đối với 59 tổ chức và 135 đảng viên; thi hành kỷ luật 17 đảng viên (khiển trách 10, cảnh cáo 02, khai trừ 05).
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Năm 2021, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 94,98 đạt 105,4% nghị quyết; năm 2022, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 75%, đạt 83,3% so với Nghị quyết, giảm 19,9% so với năm 2021 (đánh giá theo hướng dẫn mới của tỉnh); tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 2 năm 2021 và 2022 đều đạt 95/90%, đạt 105,5%, vượt 10,9% so với Nghị quyết.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay từ cấp huyện đến cấp xã đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031. Tổng số lượt cán bộ đã được phê duyệt quy hoạch trong 02 nhiệm kỳ là 1.026 lượt, trong đó cấp huyện là 419 lượt, cấp xã là 607 lượt.
Trong công tác xây dựng chính quyền, HĐND các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật và quy chế hoạt động; chú trọng lựa chọn nội dung giám sát, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND huyện, các chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, các chương trình hành động, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đã có nhiều biện pháp quyết liệt và giải quyết có hiệu quả các mặt công tác.
Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, huyện có 11 phòng chuyên môn, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Công tác tổ chức bộ máy của huyện được thực hiện theo chủ trương của tỉnh, đảm bảo tinh gọn, không phát sinh thêm tổ chức mới. Việc sử dụng biên chế từ cấp xã đến cấp huyện và tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định, đảm bảo không sử dụng vượt biên chế được giao. Tổng số công chức cấp huyện hiện nay là 62/72; viên chức là 613/693; cán bộ, công chức cấp xã 193/204. Công tác tinh giản biên chế được thực hiện thường xuyên, từ năm 2021 đến nay huyện đã thực hiện công tác tinh giản biên chế đối với 08 cán bộ, công chức, viên chức từ cấp xã đến cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các đơn vị sự nghiệp thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; nâng cao năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính của huyện. Kết quả chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh, từ năm 2020 đến nay huyện được đánh giá xếp loại Khá.
Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huyện Ngân Sơn tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tận dụng những tiềm năng lợi thế và tinh thần lao động cần cù, bền bỉ để tạo nên bước chuyển biến trên mọi lĩnh vực. Nổi bật trong bức tranh kinh tế Ngân Sơn là sự phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; duy trì các vùng trọng điểm thâm canh sản xuất hàng hóa, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP và tạo ra các sản phẩm đạt OCOP.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện duy trì thực hiện tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm ổn định, đạt 19.182 tấn; bình quân lương thực đạt 633kg/người/năm; tập trung phát triển diện tích trồng một số cây có giá trị kinh tế cao: Diện tích trồng lúa Khẩu Nua Lếch hằng năm đạt trên 100ha, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; bình quân trồng 702ha cây thuốc lá/năm, đạt 100,2% Nghị quyết. Phát triển, duy trì hơn 380ha cây ăn quả, đạt 105,8% kế hoạch (trong đó 95,2ha hồng không hạt, đạt 105,7% kế hoạch; 133,2ha cây dẻ, đạt 108,1% kế hoạch)... Diện tích trồng rừng bình quân mỗi năm đạt hơn 544,5ha, đạt 155,5% chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 65,68%.
Tổng đàn đại gia súc toàn huyện hiện có12.327 con, đạt 98,61% nghị quyết. Có 05 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô nhỏ và 06 trang trại chăn nuôi lợn. Phát triển được 02 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đạt 200% kế hoạch.
Đến nay, toàn huyện có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn của Hợp tác xã Khẩu Nua Lếch Thượng Quan, xã Thượng Quan; Măng ớt Phong Phin của Cơ sở sản xuất Phong Phin, tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng; Bún khô, phở khô của Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên, thị trấn Nà Phặc; Hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát, xã Đức Vân. Trong đó, có 02/05 sản phẩm đã ký hợp đồng hợp tác thương mại với siêu thị Big C là sản phẩm Gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch và Phở khô Quỳnh Niên.
Ngân Sơn tập trung phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác nhằm tăng giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế. Từ năm 2021 đến nay, huyện thành lập mới 16 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn lên 28 hợp tác xã.
Huyện Ngân Sơn dồn sức thực hiện các chương trình, đề án, dự án và 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 triển khai tại địa phương. Tập trung nguồn lực, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tăng cường xây dựng các công trình điện, thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt, xử lý rác thải, các thiết chế văn hoá thông tin... phục vụ sản xuất và dân sinh.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, chính sách an sinh xã hội và các chế độ chính sách đối với người có công được đảm bảo. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,76%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2026 đã đề ra (từ 3,5 - 4%/năm). Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Những kết quả trên chính là nền tảng vững chắc, tạo tiền đề sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện nhà viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc đổi mới, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng huyện ngày càng phát triển./.