Cánh đồng Khẩu nua lếch thôn Nà Hin, xã Thượng Ân
Cốm - tiếng Tày gọi là Khẩu mẩu, là sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho người nông dân. Cốm được làm từ lúa nếp non, chế biến theo phương pháp truyền thống tạo nên hạt cốm dẻo, màu xanh tự nhiên và đặc biệt có hương thơm độc đáo. Mùa cốm thường bắt đầu vào cuối tháng 9, kết thúc vào giữa tháng 10 hằng năm. Thời điểm này, khắp các cánh đồng đều thoang thoảng thơm mùi lúa nếp; những vùng làm Cốm đều toả hương vị ngào ngạt quyện với tiếng chày thình thịch giã cốm văng vẳng bên tai...
Theo bà Chu Thị Đeng, xã Thượng Ân chia sẻ: sản phẩm Cốm Khẩu nua lếch ở địa phương đã có từ lâu, từ hồi bà còn trẻ đã được làm Cốm, năm nay bà đã ngoài 83 tuổi. Ở trong xã, hầu hết các chị em người Tày đều biết cách làm Cốm. Bởi, hằng năm cứ vào đầu vụ lúa mới, khi những hạt lúa nếp bắt đầu chắc, nhà nào cũng ra đồng hái lúa về làm Cốm. Đây được coi là thứ quà cho trẻ con và làm quà cho người thân. Mấy năm gần đây, bà con bắt đầu mở rộng diện tích trồng lúa nếp để làm Cốm, có nhà cấy hết diện tích, như nhà bà năm nay cấy được 3.000m2.
Người dân thu hái những bông lúa non về làm Cốm
Khoảng 2 tuần trở lại đây, vợ chồng chị Trần Thị Hiền, ở thôn Nà Hin cũng tập trung vào việc hái lúa nếp non về làm Cốm: năm nay nhà chị gieo cấy được 2.000m2 lúa nếp Khẩu Nua Lếch, do neo người nên chị chỉ thu hái một phần làm Cốm thôi, từ bán Cốm được khoảng trên chục triệu đồng. Các công đoạn làm nên sản phẩm cốm đều được làm bằng thủ công truyền thống. Mình làm mình lấy từ ruộng về, không có chất bảo quản, làm từ cây lúa là lúa truyền thống, không phải lúa lai, nên thơm ngon lắm...Để làm được mẻ cốm màu xanh, thơm ngon, dẻo ngọt thì công đoạn lựa chọn những hạt thóc nếp rất quan trọng. Ngay từ sáng sớm bà con đã ra đồng hái những bông lúa chắc mẩy, đầu hạt thóc vẫn còn một ít sữa non. Sau khi thu hoạch, bà con đãi rửa sạch, loại bỏ hạt lép; trải qua công đoạn luộc, rang, giã.
Trước đây, tất cả các công đoạn đều thực hiện hoàn toàn bằng sức lao động của con người. Ngày nay khi công nghệ tiên tiến hơn thì các hộ làm Cốm đã sử dụng máy móc ở công đoạn rang, giã cốm. Thóc được giã và sàng sảy nhiều lần đến khi còn lại những hạt cốm dẹt, mỏng, dẻo thơm, xanh nguyên màu lúa mới. Để giữ hương vị, cốm sau khi giã xong được gói cẩn thận trong lớp lá chuối hoặc lá dong.
Sau khi trải qua nhều công đoạn, người nông dân rạo ra thành phẩm Cốm Khẩu nua lếch dẻo, thơm
Sản phẩm Cốm Khẩu Nua Lếch có màu xanh tự nhiên, hạt đều và dẻo, vị ngọt thanh và vẫn vẹn nguyên mùi thơm lúa mới. Bởi vậy, cốm của bà con dân tộc Tày Thượng Ân nói riêng, của huyện Ngân Sơn nói chung luôn có sức hút đặc biệt, được mọi người ưa chuộng. Cốm thường được bán cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh, với giá bán trung bình 100.000đ/kg. Làm cốm không chỉ mang lại cho gia đình một khoản thu nhập khá, mà họ còn lưu giữ được nghề truyền thống của đồng bào mình.
Theo báo cáo của UBND xã Thượng Ân, vụ mùa năm 2023 toàn xã thực hiện gieo cấy được gần 60ha lúa Khẩu Nua Lếch, đạt 127% kế hoạch, trong đó diện tích bà con thu hoạch làm Cốm khoảng 10ha.
Thời điểm này, cùng với việc thu hoạch lúa non làm Cốm phục vụ khách hàng gần, xa, bà con xã Thượng Ân đang chuẩn bị mọi điều kiện để tham gia Hội Cốm Khẩu Nua Lếch sẽ được huyện tổ chức trong các ngày 13-14/10, tại xã Thượng Quan sắp tới./.