Saturday, 07/09/2024
Ngày đăng: 02/01/2024 - Lượt xem: 379
Xem với cỡ chữ

"Viên ngọc sáng" của quê hương Bắc Kạn

Nông Minh Châu - nhà văn dân tộc Tày, là người con ưu tú của tỉnh Bắc Kạn. Ông là thế hệ nhà văn người dân tộc đầu tiên trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhà văn Nông Minh Châu

 

Nhà văn Nông Minh Châu tên thật là Nông Công Thỉ, sinh ngày 09/01/1924 trong một gia đình nông dân ở bản Cò Luồng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Khi phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo lan rộng từ Cao Bằng sang các tỉnh lân cận, trong đó có Bắc Kạn, nhà văn Nông Minh Châu cũng như bao thanh niên yêu nước khác đã đi theo cách mạng. Ông tham gia vào đoàn thể Việt Minh năm 1943, khi mới 19 tuổi. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Cũng từ đó ông gắn cuộc đời hoạt động của mình với Đảng, đất nước.

Để hiểu nhiều hơn về Nhà văn Nông Minh Châu, chúng tôi đã tìm đến Nhà văn Nông Viết Toại, người họ hàng và cũng là người đồng chí thân tín của ông trong những năm tháng hoạt động cách mạng.

Nhà văn Nông Viết Toại vừa trải qua trận ốm “tương đối to”, ông cười móm mém, nhắc lại rành rọt: "Nhà văn Nông Minh Châu có quan hệ với nhà tôi là con dì con già, tôi là con dì, anh Minh Châu là con già. Anh Nông Minh Châu tham gia cách mạng không phải ở Thuần Mang hay Thượng Quan, mà là ở Cốc Đán nơi quê ngoại của anh Nông Minh Châu và quê nội của tôi. Năm 1957 Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, thì năm 1958 anh Nông Minh Châu và tôi đã được kết nạp vào hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nông Viết Toại còn có kỷ niệm sâu sắc về cái tên Nông Minh Châu. Ông bảo: Khi tham gia hoạt động cách mạng, có lần tôi nói với anh: Giờ anh nên đặt một cái tên riêng cho mình, chứ dùng tên Nông Công Thỉ khi mà lộ ra, lính tráng nó truy xét thì lôi thôi. Anh ấy gật đầu rồi bảo “mày đặt tên thử xem…”. Hồi đó tôi đã học chữ Nho của thầy đồ Hoàng Đức Hậu nên có chút vốn liếng chữ Hán, liền nói “Nông Minh Châu”. Nghe xong anh gật gù “Được, minh là sáng, châu là viên ngọc quý”. Vậy là cái tên bí danh cũng là tên để sáng tác là Nông Minh Châu là do tôi đặt cho anh từ ngày ấy, anh vẫn cứ dùng bình thường như thế. Theo giấy khai sinh thì anh Nông Công Thỉ sinh ngày mùng 9 tháng Giêng năm 1924. Vậy là đến hôm nay là "chàng trai" ấy được 100 tuổi rồi".

Thơ ca của nhà văn Nông Minh Châu xuất hiện trên văn đàn nước ta từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Ông được biết đến qua các cuốn sách như: Tập thơ “Tung còn suối đàn” xuất bản năm 1964 (thơ in chung với nhà văn Triều Ân) và Trường ca “Cưa khửn đông” xuất bản năm 1967 (truyện thơ trường thiên, thể thơ truyền thống của dân tộc Tày)… Ông là một trong những tác giả, viết trường ca sớm nhất trong lịch sử văn học dân tộc. Đặc biệt hơn, đây là trường ca viết bằng tiếng dân tộc dài 4.200 câu, là một áng thơ dài được đông đảo đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc biết đến. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều năm trước, Trường ca “Cưa khửn đông” đã được đồng bào chuyển thể thành những câu sli, câu hát dá hai, được đối đáp trong các cuộc vui, đám cưới ở các bản làng.

Tên tuổi của ông Nông Minh Châu trên văn đàn được biết đến nhiều với truyện ngắn “Ché Mèn đẩy pây họp” (Chị Mèn được đi họp) sáng tác vào năm 1958. Thông qua nhân vật Mèn, đại diện lớp thanh niên tiến bộ đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, mạnh dạn đấu tranh với hủ tục lạc hậu, bảo thủ, nỗ lực hăng hái lao động sản xuất, vươn lên làm chủ cuộc sống mới… Đây là tác phẩm văn xuôi do tác giả người dân tộc sáng tác bằng tiếng dân tộc đầu tiên, trong lịch sử văn học Việt Nam. Sau đó, Nhà văn Nông Minh Châu dịch tác phẩm ra tiếng phổ thông, là tác phẩm song ngữ văn xuôi tiêu biểu được tặng giải thưởng trong Cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ, từ đó đã đưa tên tuổi nhà văn bay cao, bay xa trên văn đàn cả nước, mở ra một chặng đường mới cho nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tài năng và xuất sắc như vậy, nhưng khi chúng tôi tìm thông tin và bài viết về nhà văn Nông Minh Châu quả thật đã gặp nhiều khó khăn. Tư liệu về nhà văn hiếm hoi xuất hiện trên các trang báo điện tử lâu năm, trong đó có một bài báo hết sức ấn tượng, càng làm tôi thêm kính phục về sự chân thành và ưu tú của ông. Xin được trích một đoạn ngắn trong bài viết “Có một Nhà văn tên gọi Nông Minh Châu” trên trang Văn nghệ Công an online đăng ngày 13/7/2011 của tác giả Huy Thắng: “Nhớ đến Nông Minh Châu tôi còn nhớ đến một kỷ niệm. Năm 1971, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Khu tự trị, cơ quan phân công tôi làm một cuốn sách giới thiệu khái quát cảnh quan, tài nguyên, con người Việt Bắc. Trong quá trình biên soạn, tôi đã xin ý kiến và được sự góp ý rất nhiệt tình và rất cặn kẽ từ nhà văn Nông Minh Châu, nên trong sách tôi có ghi cả tên ông là người đồng tác giả. Sách ra, thấy vậy ông không vui, nói: "Mình không làm mà. Đứng tên là không trung thực". Tôi trình bày mãi ông mới xuôi, nhưng khi có nhuận bút tôi gửi ông, cho dù nói thế nào thì ông cũng nhất định không nhận. Sách ra được ít lâu thì gặp rắc rối, có ý kiến từ cấp trên nói nội dung có vấn đề. Trong cơ quan không ít người hoang mang, nhưng Nông Minh Châu khẳng định nội dung không sai, ai thắc mắc ông sẽ giải thích. Nếu có sai thì ông xin chịu trách nhiệm. Rất may, chỉ là sự hiểu lầm nên đã không có vấn đề gì. Qua đấy, tôi càng rõ thêm nhân cách của nhà văn Nông Minh Châu.”

Ngày 09/01/2024 là tròn 100 năm ngày sinh của nhà văn Nông Minh Châu. Để kỷ niệm sự kiện này, Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND huyện Ngân Sơn tổ chức Hội thảo về nhà văn Nông Minh Châu, chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 08/01/2024./.

Nguồn Báo Bắc Kạn