Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT: Chủ động tham mưu xây dựng Phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, động vật thủy sản năm 2024 và các văn bản chỉ đạo công tác quản lý, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (đặc biệt các dự án chăn nuôi) cho lãnh đạo UBND huyện. Nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn các xã có chế tài xử lý đối với các hộ tham gia dự án mà không tuân thủ quy trình, kỹ thuật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp: Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nếu có dịch bệnh xảy ra cần báo cáo ngay về UBND huyện để ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một các kịp thời. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; yêu cầu người dân khi phát hiện vật nuôi ốm, nghi mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn.
UBND huyện đề nghị UB MTTQ Việt Nam và các tổ chức Hội, Đoàn thể cấp huyện: Phối hợp chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi nói chung, động viên các tầng lớp nhân dân cùng nhau vào cuộc, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Chủ động tham gia tích cực vào công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức, chỉ đạo phòng, chống, khống chế dịch ở các cấp.
UBND các xã, thị trấn: Chỉ đạo cán bộ chuyên môn, các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cấp xã và các trưởng thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch phát sinh trên địa bàn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện tốt công tác tiêu hủy vật nuôi bị mắc bệnh và phun khử trùng tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch và vùng uy hiếp bằng hóa chất kết hợp với việc rải vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh hạn chế dịch phát sinh và lây lan. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, khu dân cư về tính chất nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi, nguy cơ bùng phát, lây lan và các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Yêu cầu người dân khi phát hiện vật nuôi ốm, nghi mắc bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi: Yêu cầu nhóm cộng đồng, đơn vị được giao vốn và cán bộ phụ trách cần nâng cao tình thần trách nhiệm trong thực hiện các dự án sau khi mua sắm, cụ thể:
+ Đối với đơn vị được giao vốn và cán bộ phụ trách: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các nhóm cộng đồng trong việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Đặc biệt là các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đối với các dự án chăn nuôi lợn. Khi lựa chọn đối tượng tham gia dự án cần xem xét kỹ các điều kiện, cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của dự án. Có chế tài xử lý đối với hộ chăn nuôi không tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ, cơ quan chuyên môn, bảo toàn nguồn vốn.
+ Đối với nhóm cộng đồng: Cần thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, nếu vật nuôi khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện bất thường, ốm, nghi mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời hướng dẫn điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nếu là dịch bênh truyền nhiễm. Trưởng nhóm cộng đồng và các hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi cần phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trong nhóm thực hiện nghiêm theo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh.
+ Đối với các dự án chăn nuôi lợn: Yêu cầu đơn vị được giao vốn và nhóm cộng đồng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện nghiêm công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và môi trường xung quang bằng hóa chất và vôi bột; tuyệt đối không được sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn. Hạn chế người không liên quan đi vào khu vực chăn nuôi lợn.
Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên địa bàn về UBND huyện (qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) để tổng hợp báo cáo theo quy định.
Với các nội dung trên, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.