Friday, 04/10/2024
Ngày đăng: 31/01/2024 - Lượt xem: 191
Xem với cỡ chữ

Ngân Sơn rộn ràng vào vụ Đào Tết

Xuân Giáp Thìn đang đến rất gần, đây cũng là thời điểm người dân trồng Đào huyện Ngân Sơn đang tất bật, hối hả cưa, chặt cành, cây Đào để cung cấp ra thị trường. Thay vì những cành Đào, cây Đào được cắt tỉa kỹ lưỡng, tạo thế cầu kỳ, thì Đào Ngân Sơn lại để tự nhiên, có nét đẹp hoang dại đặc trưng của núi rừng.

Anh Chu Đức Tấn lựa chọn những cành Đào tại vườn cho khách.

 

Dù thời tiết mưa rét trong những ngày tháng Chạp, thời điểm này những nơi trồng đào ở huyện Ngân Sơn tấp nập hơn bao giờ hết. Những cành Đào đang đâm chồi non, lộc biếc, khoe sắc.

Anh Chu Đức Tấn, chủ vườn Đào ở tiểu khu Phố, thị trấn Vân Tùng chia sẻ: “tôi trồng 4-5 năm nay. Trồng Đào chủ yếu bán cành trong dịp Tết. Giá cả năm nay cũng được, cành nhỏ khoảng vài chục- cành to vài trăm nghìn. Khách đặt hàng chủ yếu là khách Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Năm nay, tôi mới xuất được vài chuyến về xuôi. Vườn nhà mình trồng cả Đào bích, Đào phai và Đào bạch phục vụ tùy theo yêu cầu khách hàng đặt”.

Những cành Đào được ông Nông Phước Xuân ngay cạnh trục quốc lộ để tiện cho khách chọn mua.

 

Gia đình ông Nông Phước Xuân, ở thôn Bản Chang, xã Đức Vân đã trồng Đào được gần chục năm, gia đình ông hiện tại có 60 gốc Đào, ông Xuân chia sẻ: “Gia đình tôi trồng Đào một là để ăn quả, rồi là bán cây làm cảnh Tết, vào dịp mùa Xuân, mọi người vui vẻ, phấn khởi, mỗi người mạnh khỏe hơn. Vừa rồi, gia đình tôi bán được vài tạ quả, tùy theo từng năm; còn cành thì bán Tết, bán những cành đẹp, vừa mắt mình, vừa mắt khách hàng, mỗi cành dao động 200.000-300.000đ”.

Những năm gần đây, huyện Ngân Sơn là địa điểm quen thuộc của nhiều người yêu Đào, không chỉ thương lái trong tỉnh mà thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố cũng về đây chọn mua cây.

Ông Nguyễn Văn Công, thương lái ở Hà Nội cho biết: Mấy năm nay ông lên Ngân Sơn mua Đào để phục vụ thị trường Tết. Thay vì những cành Đào, cây Đào được cắt tỉa kỹ lưỡng, tạo thế cầu kỳ, thì Đào Ngân Sơn lại mang nét đẹp tự nhiên hoang dại đặc trưng của núi rừng. Vì lẽ đó, nhiều người dân Hà Nội ưa chuộng Đào Ngân Sơn.

Đào Ngân Sơn theo những chuyến xe về miền xuôi.

 

Những năm qua, từ lợi ích kinh tế mang lại, người dân một số địa phương ở Ngân Sơn như thị trấn Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc và xã Đức Vân đã chuyển đổi nhiều diện tích vườn đồi trồng ngô sang trồng cây Đào. Từ cây này, người dân có thể vừa tỉa bán cành, bán cả gốc đào và bán quả Đào, theo đó đã tạo thu nhập đáng kể cho người dân. Cùng với đó, nhiều hộ dân cũng đã trồng, chăm sóc Đào phát triển du lịch trải nghiệm, phục vụ du khách đến check in, trải nghiệm; vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và các hộ dân trên địa bàn huyện đã tận dụng những khoảnh đất trống, trục đường để trồng Đào tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Hiện nay, toàn huyện Ngân Sơn có gần 40ha cây Đào, trong đó nhiều diện tích Đào đang khai thác cành và cây phục vụ khách hàng làm cảnh trong ngày Tết.

Đào là cây trồng mang biểu tượng của mùa Xuân, một phần không thể thiếu với mỗi gia đình Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về. Những giọt mưa lớt phớt bay bay khiến cho từng nụ hồng đào chúm chím e ấp, ngậm men say đất trời căng mọng sửa soạn chào Xuân. Đắm mình trong sắc hồng rực rỡ, lòng người cũng thêm hân hoan, rạo rực chào Xuân mới./.

Hà Mai