Tuesday, 17/09/2024
Ngày đăng: 17/07/2024 - Lượt xem: 35
Xem với cỡ chữ

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được phòng bằng vắc xin, điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Ở nước ta, vắc xin phòng bạch hầu được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, do đó, bệnh này đã được Việt Nam khống chế nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh bạch hầu có dấu hiệu xuất hiện trở lại, một số địa phương như Nghệ An, Bắc Giang đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu.

 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 4 tại chỗ…

Đối với huyện Ngân Sơn, mặc dù không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên, để chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh bạch hầu hiệu quả và không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện theo thẩm quyền. 

UBND huyện cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp; Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; Bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 04 tại chỗ.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc hầu họng, thanh quản, mũi. Lớp màng giả mạc màu trắng do các lớp tế bào bị viêm do vi khuẩn bạch hầu gây ra tại thành lớp màng bám vào trong vòm họng. Màng bám sẽ lan ra lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có tỷ lệ lây lan nhanh, đặc biệt nếu người tiếp xúc ca bệnh chưa được tiêm phòng thì tỷ lệ lây lan có thể lên 100%.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác gồm: Sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho, viêm họng, sưng họng, da xanh tái…một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở.

Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong. Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin, người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vắc xin phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch bao gồm các mũi tiêm khi trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi. 

Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin bạch hầu giảm liều-uốn ván (Td).

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày); đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. 

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Thu Hường (Tổng hợp)