Saturday, 12/10/2024
Ngày đăng: 05/09/2024 - Lượt xem: 18
Xem với cỡ chữ

Công điện về việc triển khai ứng phó bão số 3

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Lăng đã ký Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 05/9/2024 chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện; Ban Chỉ huy quân sự huyện; Công an huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai ứng phó cơn bão số 3.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 3 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

 

Công điện nêu: Sáng ngày 03/9/2024, cơn bão có tên quốc tế là YAGI đã vượt qua đảo Lu-Dông (Philippin) vào khu vực đông bắc biển Đông trở thành cơn bão số 3 hoạt động trên biển Đông trong năm 2024, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 12. Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.

Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phươngtriển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

2. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, trong đó:

a) Chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

b) Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

c) Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

d) Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND huyện những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

4. Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai (Phòng Nông nghiệp và PTNT) theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ  được phân công, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Trạm Quản lý thủy nông huyện, UBND các xã, thị trấn: Chủ động kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thực hiện vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; cảnh báo sớm người dân vùng hạ du khi có nguy cơ xảy ra sự cố; đặc biệt đối với các hồ thủy lợi xung yếu, yêu cầu bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.

6. Phòng Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện tại khu khai thác khoáng sản, các mỏ và điểm mỏ, có phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn thải để giảm nguy cơ rủi ro như tràn, vỡ đập chứa bùn thải khi có mưa lớn do ảnh hưởng của bão.

7. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa TT&TT, tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và ứng phó cho người dân để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, lũ quét.

8. Trung tâm y tê huyện, chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền quản lý, xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…do bão, mưa, lũ gây ra.

9. Các Phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, thành viên Ban Chỉ huy PTDS;PCTT&TKCN;PCCC&CNCH huyện và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện./.

Nguồn: VP HĐND-UBND

Bài viết cùng chuyên mục