Cháy rừng do xử lý thực bì ngày 23/3/2025 tại tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc.
Trước diễn biến thời tiết tiếp tục khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao cấp V, cấp rất nguy hiểm, để tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân huyện Ngân Sơn yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau: Tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong công tác PCCCR; Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng. Phòng Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm chủ động cập nhật, thông báo cấp dự báo cháy rừng đến các địa phương và nhân dân biết, thực hiện; tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng; theo dõi, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong quá trình xử lý thực bì. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong và gần rừng vào những ngày có cấp dự báo cháy rừng cao cấp IV, V; Hạt Kiểm lâm phân công lực lượng Kiểm lâm; các tổ, đội PCCCR thực hiện nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ, đảm bảo lực lượng trong thời gian cao điểm, yêu cầu chấp hành nghiêm việc không sử dụng rượu bia đối với lái xe và người được phân công trực PCCCR nhằm sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra; tổ chức tuần tra các khu vực trọng điểm, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, kiểm tra hiện trường tại các điểm nghi cháy rừng nhằm chủ động phát hiện sớm các điểm cháy, tham mưu huy động lực lượng kịp thời không để xảy ra cháy lớn; UBND các xã, thị trấn: Tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác PCCCR thông tin khuyến cáo trực tiếp đến người dân qua hệ thống loa phát thanh, các nhóm zalo của xã, thị trấn, thôn, tổ, khu để người dân biết, thực hiện với phương châm lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là các hoạt động đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa để xử lý thực bì. Tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân tại cơ sở không tiến hành việc đốt nương rẫy, xử lý thực bì trồng rừng trong thời gian cao điểm nóng, khô hanh kéo dài từ cấp III đến cấp V; Chủ động lực lượng, phương tiện, bố trí kinh phí cho công tác PCCCR; tổ chức ứng trực 24/24h trong thời gian cao điểm về PCCCR. Khi có cháy rừng xảy ra trên địa bàn, kịp thời triển khai công tác chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ”, ngăn chặn xử lý kịp thời ngay tại cơ sở, khống chế, dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để phát sinh cháy lớn. Trong chữa cháy đặc biệt lưu ý đến công tác sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân và các lực lượng tham gia chữa cháy rừng; quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ cho người tham gia chữa cháy rừng; Các chủ rừng là tổ chức: Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Chủ động xây dựng, rà soát chỉnh sửa bổ sung phương án PCCCR; tổ chức thực tập phương án PCCCR; tổ chức tốt lực lượng, đảm bảo phương tiện, máy móc, trang thiết bị, dụng cụ, công trình PCCCR cho công tác PCCCR trên phạm vi diện tích rừng quản lý. Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về PCCCR và huy động lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; Quy định về xử lý đối với vi phạm về cháy rừng: Các vụ việc gây ra cháy rừng phải được lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật bao gồm các trường hợp cháy rừng gây thiệt hại về rừng và cháy dưới tán rừng nhưng không thiệt hại về diện tích rừng. Trường hợp vi phạm khung hành chính thì xem xét áp dụng theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trường hợp vượt khung xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng quy định về pháp luật hình sự. Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính đối với từng hành vi theo quy định. Nếu vi phạm các quy định pháp luật về PCCCR gây cháy rừng đối với cây trồng chưa thành rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng trên 3 ha; rừng sản xuất trên 0,5 ha; rừng phòng hộ trên 0,3ha; rừng đặc dụng trên 0,1 ha; gây thiệt hại về giá trị lâm sản trên 100 triệu đồng thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự./.