Thứ Bảy, 02/12/2023
Ngày đăng: 24/08/2022 - Lượt xem: 408
Xem với cỡ chữ

Ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành lập Chi bộ Chí Kiên

Chi bộ Chí Kiên được thành lập là sự kiện lịch sử quan trọng thể hiện sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng; sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ cách mạng tiền bối.

          Chi bộ Chí Kiên được thành lập là sự kiện lịch sử quan trọng thể hiện sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng; sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ cách mạng tiền bối.

          Ngược dòng lịch sử, cách đây 79 năm, tức vào tháng 9 năm 1943 tại một đám ruộng gần thác nước Cỏong Tát, thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp), đồng chí Nghĩa (tức Dương Mạc Hiếu) đã tổ chức kết nạp những đội viên trung kiên vào Đảng Cộng sản Đông Dương gồm các đồng chí Thành Tâm (tức Đồng Văn Bằng) và đồng chí Đông Sơn (tức Doanh Hằng).

          Thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đội xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng của tổng Bằng Đức, huyện Ngân Sơn gồm 3 đồng chí (đồng chí Dương Mạc Hiếu,đồng chí Đồng Văn Bằng và đồng chí Doanh Hằng), đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư chi bộ và Chi bộ vinh dự được mang tên đồng chí Phùng Chí Kiên- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại Khau Pàn, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn năm 1941.

          Chi bộ Chí Kiên được thành lập là sự kiện quan trọng thể hiện sự đúng đắn của đường lối cách mạng, đường lối giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của Đảng; sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng của huyện Ngân Sơn và toàn tỉnh Bắc Kạn. Từ đây phong trào cách mạng của địa phương đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện.

          Từ cuối năm 1943 đến nửa đầu năm 1944, thực dân Pháp và bọn tay sai tiến hành cuộc khủng bố trắng khốc liệt vào khu vực Cao - Bắc - Lạng làm cho phong trào cách mạng chịu nhiều tổn thất, tại huyện Ngân Sơn nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên nòng cốt đã bị bắt, bị giết hại dã man. Trong thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho thành lập Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời tỉnh Bắc Kạn, trong đó 3 đồng chí đảng viên quê ở xã Thượng Ân được cử tham gia Ban lãnh đạo (đồng chí Bằng, đồng chí Hằng và đồng chí Tú).

          Trong điều kiện khó khăn, gian khổ đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là liên Tỉnh ủy Cao- Bắc- Lạng, sự ủng hộ của Nhân dân, Chi bộ Chí Kiên, Đội võ trang Chí Kiên đã phối hợp với các Đội tự vệ các xã bạn đã lãnh đạo, trực tiếp chỉ huy quần chúng Nhân dân nổi dậy, khống chế và hạ đồn Ngân Sơn, tước vũ khí lính, tịch thu bằng sắc, ấn triện của bọn hào lý…đập tan chính quyền của bè lũ tay sai thân Pháp, thành lập UBND lâm thời các xã tiến tới giải phóng hoàn toàn châu Ngân Sơn vào ngày 21 tháng 3 năm 1945. Tháng 4/1945 chi bộ Chí Kiên đã hình thành Đảng bộ Ngân Sơn. Tháng 6/1945 Ủy ban hành chính châu Ngân Sơn được thành lập, do ông Đồng Phúc Vọng làm Chủ tịch, trụ sở đặt tại Bản Cò Luồng, xã Thượng Quan.

          Sau cuộc đấu tranh này, truyền thống cách mạng của Nhân dân Ngân Sơn tiếp nối trong dòng chảy lịch sử vẻ vang với những sự kiện quan trọng: như Cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến ngày toàn thắng; công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Trong dòng chảy lịch sử ấy luôn có ánh sáng cách mạng của Đảng soi rọi, mà tiền thân là Chi bộ Chí Kiên./.

Hà Mai