Cộng tác viên dân số xã Bằng Vân thăm và tư vấn KHHGĐ cho phụ nữ tại cơ sở
Theo số liệu thống kê, huyện Ngân Sơn hiện có 5.947 phụ nữ đã xây dựng gia đình, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại đạt trên 82%. Tuy nhiên, do địa bàn rộng cộng với đường liên thôn, liên xã đi lại khó khăn, các thôn, bản không tập trung và mức sống của một bộ phận người dân còn thấp cho nên ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp cận thông tin từ các kênh truyền thông về dân số - KHHGĐ, nhất là chị em dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Từ thực tế trên, công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - KHHGĐ được huyện chú trọng và coi đây là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng. Những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình truyền thông về KHHGĐ như: Truyền thông dân số - KHHGĐ lồng ghép với các hoạt động thường xuyên của các tổ chức chính trị - xã hội; truyền thông trong chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; truyền thông tăng cường tại các xã đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình thăm và tư vấn tại gia đình về nội dung KHHGĐ; mô hình truyền thông nhóm nhỏ… Qua đánh giá kết quả, mô hình thăm và tư vấn tại hộ gia đình về nội dung KHHGĐ được áp dụng có hiệu quả nhất.
Đến nay, mô hình thăm và tư vấn tại hộ gia đình về nội dung KHHGĐ đã được triển khai đồng đều tại 11/11 xã, thị trấn. Trên thực tế, các cán bộ huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn do một số ít người dân vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, vì thế việc vận động, tuyên truyền các đối tượng chấp nhận áp dụng biện pháp tránh thai và không sinh con thứ ba trở lên vẫn là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi người làm công tác dân số ở cơ sở phải thật sự quan tâm, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, lựa chọn đối tượng để tiếp cận tư vấn nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Khi thăm và hướng dẫn tại hộ gia đình, các cán bộ dân số của huyện đều chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang, các phương tiện, tài liệu để phục vụ cho chủ đề tư vấn. Trong quá trình tư vấn, các cán bộ chuyên trách và cộng tác viên đều nắm rõ kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hiện 6 bước tư vấn KHHGĐ; đồng thời chọn thời điểm tiếp cận thích hợp, giải thích phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình.
Đồng chí Cao Thị Huế - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Ngân Sơn cho biết thêm: Với tập tục sinh hoạt và đời sống của các dân tộc thiểu số, việc tập trung chị em tại một địa điểm để tuyên truyền thường không thu được kết quả cao, hơn nữa, việc thăm và tư vấn tại hộ gia đình còn là cơ hội cho người làm công tác dân số ở cơ sở được gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả các thành viên trong gia đình và những người có uy tín trong thôn, bản, dòng họ, nhờ vậy, việc tư vấn, vận động càng thuận lợi hơn.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã có hơn 550 hộ gia đình và trên 6.300 đối tượng được cung cấp các thông tin về KHHGĐ; tư vấn vận động được 1.686 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai lâm sàng, đạt trên 82% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT hiện đại, tăng tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại lên trên 2% mỗi năm, duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dần qua các năm, cụ thể: Năm 2009 là 4,2%, năm 2011 giảm xuống còn 2,7%.
Có thể nói, việc thực hiện mô hình thăm và tư vấn hộ gia đình về dân số - KHHGĐ tại huyện Ngân Sơn đã phần nào giúp người dân nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào công tác CSSKSS/KHHGĐ, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ có kế hoạch sinh con hợp lý, thực hiện mô hình ít con, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, phát triển kinh tế. Đây cũng chính là điều kiện để nâng cao vị thế của người phụ nữ, thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới; góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Nguồn tin: