Xác định rõ vai trò của hệ thống trạm y tế cấp xã và thị trấn là rất quan trọng, giúp cho Trung tâm và các bệnh viện tuyến trên giảm được sự quá tải bệnh nhân. Do vậy trong xây dựng kế hoạch từ đầu năm, TTYTH đã đưa ra các chỉ tiêu quan trọng như: công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em… đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân từ huyện đến xã, thị trấn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách các xã; thường xuyên bám sát cơ sở để nắm tình hình về mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn bản, giám sát việc tuyên truyền và thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: Tiêm chủng mở rộng; phòng chống dịch bệnh; phòng chống suy dinh dưỡng; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Khám và điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ngân Sơn
Để mạng lưới liên kết y tế ở cơ sở được thực hiện tốt hơn TTYTH đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể khác như: Phòng Giáo dục và Đào tạo; phòng Văn hoá; Đài Phát thanh truyền hình… tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, hố tiêu, hố xí hợp vệ sinh. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ cấp xã và thị trấn, đội ngũ y tế thôn bản về những kiến thức cơ bản phòng chống dịch bệnh, theo đó thông qua các cuộc họp thôn bản, họp nhóm để tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả đến từng hộ dân với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Đồng chí Đinh Ích Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn cho biết: Để thực hiện tốt việc liên kết mạng lưới y tế cơ sở cũng như thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng kiện toàn và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Khi có hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thì việc giám sát và thăm nắm, ngoài Ban lãnh đạo thì đội y tế dự phòng đều được phân công cụ thể cho từng thành viên đến giám sát tại các xã được phân, thực hiện giám sát từ khâu chuẩn bị cho đến quá trình triển khai. Đến nay đối với tuyến xã và thị trấn của huyện đã giải quyết được khoảng 70% bệnh lý tại cơ sở, một số kết quả hàng năm vẫn đạt và vượt kế hoạch.
Hiện nay tổng số cán bộ viên chức của trung tâm là 128 người, trong đó trong đó có 21 người có trình độ đại học còn lại là cao đẳng và trung cấp. Hàng năm TTYTH cũng quan tâm đến việc đào tạo chuyên sâu cho cán bộ y bác sĩ, tổ chức nhiều lớp tập huấn theo quy định để từng bước phấn đấu đạt chuẩn y tế đối với các trạm y tế cấp xã. Do vậy đến nay đã có 06/ 11 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.
Việc sử dụng trang thiết bị khoa học kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh cũng được TTYTH quan tâm, đến nay Trung tâm vẫn duy trì tốt việc sử dụng các loại máy đã được dầu tư như: Máy siêu âm; máy chụp x-quang; máy xét nghiệm… để khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Đồng thời cũng thường xuyên tập huấn, đào tạo, đào tạo bổ sung về chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ ở các xã và thị trấn, ngoài ra trung tâm còn giúp một số địa phương trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản và trang thiết bị thông thường để phòng, chống các dịch bệnh kịp thời, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa.
Về quản lý nhà nước và việc giám sát trong chuyên môn nghiệp vụ trọng tâm của trạm y tế cấp xã và thị trấn, đặc biệt là công tác tuyên truyền , thực hiện 12 chương trình y tế quốc gia, đồng chí Đinh Thị Thung, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vân Tùng cho biết: Hàng tháng TTYTH đều cử cán bộ đến kiểm tra và giám sát đầy đủ theo như kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt việc thực hiện các chương trình, mục tiêu của tuyến xã và đội ngũ y tế thôn bản, trong trường hợp thực hiện, triển khai chưa đúng, chưa đủ đã kịp thời nhắc nhở hướng dẫn. Việc báo cáo kết quả thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu cũng như những khó khăn thuận lợi cũng được trạm báo hàng tuần, hàng tháng lên TTYT huyện.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa về việc liên kết mạng lưới y tế ở cơ sở đồng thời để đạt được nhiều hơn nữa số trạm đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã thì cũng còn gặp những khó khăn nhất định như đối với một số xã việc tìm quỹ đất để xây dựng trạm cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể đến việc nguồn ngân sách đầu tư trang thiết bị phục vụ khám và điều trị, chế độ đãi ngộ bác sĩ chuyên khoa công tác tại các trạm y tế, kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền…
Thời gian tới để đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở trạm y tế cấp xã và thị trấn ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa, bố chí nguồn nhân lực đáp ứng đủ cho các trạm y tế cấp xã và thị trấn; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị bệnh; tập huấn, đào tạo, đào tạo bổ xung về chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ ở tuyến cơ sở đó là một trong những giải pháp để giảm tải gánh nặng về lưu lượng bệnh nhân cho các tuyến trên./.
Nguồn tin: