Ngày đăng: 21/12/2012 / Lượt xem: 25

Cốc Đán trên con đường đổi mới

 

 

Cốc Đán phát triển chủ yếu về nông-lâm nghiệp.

          Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào các dân tộc nơi đây đã đóng góp công sức để đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Cốc Đán gồm hai xã Tô Khê, Cốc Đán cũ được hợp nhất từ ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, là xã giáp với huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng nên đã tiếp nhận phong trào cách mạng từ những năm 1940. Từ đấy, nơi đây đã trở thành một trong những xã được đoàn thể chọn là cơ sở tin cậy trên dọc đường Nam tiến của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Nơi Bác Hồ dừng chân.

          Đây cũng là nơi trên đường từ Pác Bó về Tân Trào, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ lại. Ông Nguyễn Văn Bảo- thôn Hoàng Phài kể lại: Lúc gặp Bác vào một buổi tối cuối tháng 5/1945, ông không nhớ rõ chính xác ngày nào. Nhưng Bác đã dặn dò trong đêm hôm đó trước khi lên đường, ông Bảo lúc đó 13 tuổi chỉ nhớ Bác mong các đồng bào trong xã đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, bảo vệ tổ quốc. 

          Lời Bác vẫn còn vang mãi với nhân dân xã Cốc Đán, nơi Bác dừng chân giờ đã trở thành một di tích lịch sử. Tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân xã Cốc Đán đoàn kết xây dựng nhằm phát huy truyền thống cách mạng, từng bước phát triển kinh tế-xã hội ngày càng vững mạnh. Cốc Đán có diện tích tự nhiên trên 6 nghìn ha, trong đó chủ yếu là đất nông-lâm nghiệp, với gần 3 nghìn người dân sinh sống, chủ yếu là dân tộc: Tày, Dao, Kinh, Mông.

          Đồng chí Lý Tiến Lộc- Bí thư Đảng ủy xã Cốc Đán cho biết: Hơn 10 năm về trước, Cốc Đán còn là một xã nghèo của huyện, 100% dân cư sinh sống bằng nghề nông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao. Trước những khó khăn, thách thức lớn lao của Đảng bộ và nhân dân trong xã đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nền kinh tế-xã hội phát triển. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ khóa XX nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, Đảng bộ và nhân dân xã Cốc Đán đã phấn đấu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra và đạt được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực.

          Thế mạnh của xã Cốc Đán là Nông-Lâm nghiệp. Trong những năm qua, Đảng bộ lãnh đạo từng bước thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Tập trung chỉ đạo phát triển cây có giá trị kinh tế cao hàng năm như: Cây thuốc lá năm 2005 là 17,95 ha đến năm 2010 là 170 ha. Tổng lương thực có hạt 1.584 tấn. Lương thực bình quân đầu người đạt 647kg/người/năm. Bên cạnh sự phát triển về nông nghiệp, thì lâm nghiệp cũng là thế mạnh phát triển tiềm năng của địa phương. Công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng tái sinh hàng năm được nhân dân phát huy tích cực.

          Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Một số tuyến đường liên thôn đã được cải tạo và mở rộng tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương, hồ đập đã được đầu tư trên 2/3 xây dựng kiên cố. Gần 200 hộ dân được đầu tư nước sạch. Hỗ trợ làm nhà ở từ năm 2005-2009 được 85 nhà với tổng số tiền là 458 triệu đồng. Đến nay có 177 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 369 hộ có phương tiện nghe nhìn, 414 hộ có phương tiện đi lại. Hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến THCS được đầu tư xây dựng, khang trang tạo điều kiện cho con em các dân tộc đến lớp được thuận lợi. 

          Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được quan tâm, chú trọng. Hàng năm xã triển khai thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, duy trì khám chữa bệnh và phát thuốc cho nhân dân, trẻ em đến tuổi đều được tiêm và uống các loại vác-xin theo quy định. Đồng thời công tác tuyên truyền dân số kế hoạch hóa gia đình luôn được xã triển khai hiệu quả, trong 5 năm qua tỷ lệ sinh con thứ ba trên toàn xã giảm đáng kể, tỷ lệ sinh thô năm 2009 chiếm 11,7%, tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng giảm 32,1% năm 2005 xuống còn 29,1% năm 2009.

          Cùng với những chính sách quan tâm của nhà nước, các tổ chức đoàn thể đã đứng ra tín chấp cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, thực hiện chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thâm canh tăng vụ, phát triển các mô hình từ 30-50 triệu đồng/ha, một số nơi đạt 80-90 triệu đồng/ha. Năm 2005 có 56% hộ nghèo, đến cuối năm 2009 còn 34% hộ.

          Là một xã có bề dày truyền thống về đấu tranh cách mạng, với tinh thần đoàn kết, cần cù chịu khó của nhân dân, Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phấn đấu đến 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới; thực hiện tốt các chương trình, dự án trọng điểm được trên đầu tư; đẩy manh phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng Cốc Đán ngày càng đổi mới và phát triển. 

Nguồn tin: Theo BBK điện tử